1. Tăng cường công năng miễn dịch của cơ thể một cách tự nhiên
Điều này có nghĩa là, việc sử dụng ĐTHT là một trong những biện pháp thuộc miễn dịch trị liệu. Cũng như ngoại khoa, hóa trị và xạ trị, miễn dịch liệu pháp trị liệu ung thư (cancer imunotherapy) là một phương pháp điều trị ung thư được sử dụng rộng rãi hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, khác với ngoại khoa, hóa trị và xạ trị là các biện pháp sử dụng các tác động bên ngoài là phẫu thuật, hóa chất và tia xạ để tác động lên khối u, miễn dịch trị liệu ung thư sử dụng chính hệ miễn dịch của cơ thể của bệnh nhân để tấn công lại các tế bào ác tính.
Như chúng ta đều biết, hầu hết các tế bào ung thư không bị các tế bào miễn dịch thông thường nhận diện và tiêu diệt như đối với các tác nhân từ bên ngoài. Nguyên nhân là do các tế bào ung thư vốn là những tế bào bình thường của cơ thể nhưng sau khi chịu tác động của các tác nhân gây ung thư bị biến đổi thành tế bào “quái”. Chính vì thế, hệ miễn dịch của cơ thể thường “bỏ sót” những tế bào này so với các tác nhân lạ từ bên ngoài. Miễn dịch trị liệu sử dụng các tế bào đơn nhân của cơ thể đã mang bệnh, tức là đã có kháng nguyên gây bệnh. Sau khi được nuôi dưỡng và biệt hóa, những tế bào này có khả năng trình diện kháng nguyên ung thư cao như những tác nhân xâm nhập từ bên ngoài, qua đó giúp hệ miễn dịch có khả năng nhận diện và kích hoạt các phản ứng miễn dịch để tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể.
Trong số các tế bào được sử dụng trong miễn dịch trị liệu, tế bào tua (hay còn gọi là tế bào đuôi gai, tiếng Anh gọi là dendritic cells – DC) được coi là có hiệu quả cao. Đã có tới hơn 100.000 báo cáo khoa học về ý nghĩa và khả năng ứng dụng của tế bào tua trong miễn dịch trị liệu kể từ khi Ralph Steinman khám phá về tác dụng của tế bào tua lần đầu tiên năm 1973. Các công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng: Các tế bào tua có khả năng tóm bắt và trình diện các kháng nguyên của tế bào ung thư cao và mạnh hơn những tế bào miễn dịch khác (đại thực bào, lympho B). Đồng thời có khả năng di động rất cao, có thể nhận diện kháng nguyên của tế bào ung thư ở nhiều nơi trong cơ thể, qua đó kích hoạt hay còn gọi là “hướng dẫn” một lượng lớn tế bào lympho T tới khắp mọi nơi trong cơ thể để nhận diện chính xác và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Từ đó, vấn đề nghiên cứu tìm ra những hoạt chất có tác dụng hỗ trợ và tăng cường tác dụng của tế bào tua để qua đó gián tiếp tăng hiệu quả của miễn dịch trị liệu ung thư cũng là một nội dung thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Y học cổ truyền phương Đông, đặc biệt là ở Trung Quốc, từ lâu đã sử dụng ĐTHT, nhất là loại có nguồn gốc từ cao nguyên Himalaya, trong việc tăng cường miễn dịch và phòng chống ung thư. Tuy nhiên, cơ chế cụ thể như thế nào vẫn còn chưa được rõ ràng.
Các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Huyết học của Bệnh viện Đại học Zhejiang, Bệnh viện Y học cổ truyền Fuyang (Trung Quốc) đã tiến hành đánh giá về tác dụng của ĐTHT trên các tế bào tua được biệt hóa từ bệnh nhân bị bệnh bạch cầu tủy mạn tính (Chronic Myelotic Leukemia – CML), qua đó đánh giá sự liên quan giữa tác dụng phòng chống ung thư của ĐTHT với khả năng kích thích cơ thể sản xuất ra các chất điều hòa miễn dịch nói chung và vai trò đối với tế bào tua nói riêng, nhằm làm rõ hơn nữa cơ chế chống ung thư của loại dược liệu quý giá này.
Để thu được các tế bào tua từ các bệnh nhân bị bệnh bạch cầu tủy mãn tính (CML), các nhà khoa học đã phân lập tế bào đơn nhân của các bệnh nhân này, sau đó cho tiếp xúc với các yếu tố miễn dịch (GM – CSF, TNF – α, IL – 4) để hình thành các tế bào tua trong ống nghiệm (gọi tắt là CML – DCs). Những tế bào tua mới được hình thành này được chia thành 2 nhóm, 1 nhóm được tiếp xúc với dịch chiết Đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis (gọi tắt là CML – DC – CS) và nhóm còn lại thì không. Sau đó các nhà nghiên cứu tiến hành đánh giá về các thông số miễn dịch như: khả năng biệt hóa thành các phân tử kích thích miễn dịch, sự tăng tiết interleukin 12 (IL – 12) và khả năng kích thích của phản ứng hỗn hợp của bạch cầu lympho (mixed lymphocyte reaction – MLR).. giữa các nhóm tế bào thí nghiệm để xác định tác dụng của ĐTHT đối với tế bào tua hình thành từ bệnh nhân bị bệnh bạch cầu tủy mãn tính. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
ĐTHT làm tăng số lượng tế bào miễn dịch được biệt hóa từ tế bào tua. Số lượng các tế bào miễn dịch được biệt hóa từ các tế bào tua ban đầu (bao gồm CD80, CD86, CD83, CD1a, HLA-DR..) ở nhóm CML-DC-CS cao nhất so với nhóm CML-DC và nhóm chứng. Điều này cho thấy ĐTHT có tác dụng làm tăng khả năng biệt hóa thành các tế bào miễn dịch và gia tăng tính miễn dịch của tế bào tua.
ĐTHT làm tăng khả năng miễn dịch của các tế bào miễn dịch được biệt hóa từ tế bào tua. Để đánh giá chất lượng của tế bào miễn dịch được biệt hóa, các nhà khoa học đã so sánh đáp ứng miễn dịch trên cùng một số lượng tế bào miễn dịch này ở các nhóm thông qua khả năng kích thích lympho T. Kết quả cho thấy, trên cùng một số lượng tế bào miễn dịch được biệt hóa, khả năng kích thích tế bào lympho T ở nhóm CML-DC-CS cao hơn nhiều lần so với CML-DC và nhóm chứng.
ĐTHT kích thích tế bào tua tiết ra Interleukin 12 (IL – 12). Interleukin 12 là một trong các thông số quan trọng phản ánh hoạt tính miễn dịch của các tế bào tua. Do đó khả năng tiết ra IL – 12 liên quan tới hoạt lực miễn dịch của các tế bào tua. Kết quả nghiên cứu cho thấy nồng độ IL – 12 được tiết ra ở nhóm CML-DC tiếp xúc với các yếu tố kích thích miễn dịch (CML – DCs) tăng rõ rệt so với nhóm chứng 134.37 +/- 27.7 pg/ml, cao hơn 3 lần so với 43.45 +/- 11.4 pg/ml ở nhóm chứng. Nồng độ IL – 12 được tiết ra ở nhóm CML – CS – DCs là cao nhất, lên tới 208.22 +/- 42.1 pg/ml.
Với những kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học Trung Quốc đã cho thấy ĐTHT không chỉ có tác dụng làm gia tăng số lượng mà còn cải thiện chất lượng miễn dịch của các tế bào được biệt hóa từ tế bào tua ban đầu. Đồng thời nó còn kích thích làm tăng khả năng miễn dịch trực tiếp từ tế bào tua. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi các biện pháp miễn dịch trị liệu ung thư đang ngày càng được các nhà khoa học quan tâm do hiệu quả điều trị đạt được và hạn chế tối thiểu tác dụng phụ. Kết quả nghiên cứu này cũng đã làm sáng tỏ một cơ chế tăng cường miễn dịch, phòng chống ung thư của ĐTHT, một thảo dược quý hiếm để có thể sử dụng rộng rãi hơn trong hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa tái phái và phòng chống ung thư.
2. Phòng chống di căn ung thư
Di căn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của bệnh ung thư, chính vì vậy việc hạn chế tối đa khả năng khối u di căn là một nhu cầu cấp bách của điều trị ung thư. Hai biện pháp trị liệu bổ trợ lẫn nhau trong chiến lược điều trị ung thư di căn bao gồm điều trị các khối u di căn hiện tại và phòng chống sự phát tán các tế bào ác tính. Tuy nhiên, hầu hết các thuốc điều trị ung thư di căn hiện tại đều chỉ ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư, tức là tập trung vào điều trị khối u hiện tại mà chưa có giải pháp phòng chống sự phát tán của các tế bào ác tính một cách hiệu quả.
Việc hiểu rõ các giai đoạn của quá trình di căn ung thư có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa cũng như quyết định xem tác động vào giai đoạn nào của quá trình di căn là hiệu quả nhất. Quá trình di căn ung thư thường trải qua sáu giai đoạn chính : (1) Xâm lấn tại chỗ: Các tế bào ung thư xâm lấn vào các mô bình thường bên cạnh. (2) Xâm nhập mạch máu: Các tế bào ung thư di chuyển qua thành mạch máu hay mạch bạch huyết bên cạnh. (3) Tuần hoàn: Các tế bào ung thư di chuyển qua hệ thống bạch huyết và dòng máu tới các tổ chức khác của cơ thể. (4) Thoát mạch: Các tế bào ung thư ngừng di chuyển trong các mao mạch sau đó xâm nhập qua thành mao mạch vào các mô xung quanh. (5) Tăng sinh: Các tế bào ung thư nhân lên để hình thành khối u nhỏ được coi là các ổ vi di căn (micromestastases). (6) Tạo mạch: Các ổ vi di căn được kích thích làm tăng sinh các mạch máu mới cung cấp máu tới khối u. Máu cung cấp oxy và dinh dưỡng cần thiết cho khối u tiếp tục phát triển.
Các nhà nghiên cứu trên thế giới cũng đã xác định vai trò quan trọng của tiểu cầu đối với việc đẩy nhanh quá trình di căn. Đầu tiên, sự kết tập tiểu cầu tại vị trí của các tế bào ung thư trong giai đoạn đang lưu thông trong máu giúp bảo vệ tế bào ung thư khỏi bị tiêu diệt và đào thải bởi các tế bào miễn dịch tự nhiên (NK Cells). Sau đó, tiểu cầu thúc đẩy các tế bào ung thư kết dính với bạch cầu và các tế bào nội mạc và sự kết dính này là điều kiện quan trọng giúp cho tế bào ung thư có thể thoát khỏi mạch máu và bạch huyết hiện tại, tạo dòng tế bào di căn tại những cơ quan đích ở những vị trí xa hơn khối ung thư ban đầu. Ngoài ra, trong quá trình tạo mạch, các chất tiết từ tiểu cầu có tác dụng góp phần kích thích sự hình thành các mạch máu nuôi dưỡng và phát triển khối di căn. Như vậy, sự kết tập tiểu cầu có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng di căn của nhiều loại ung thư.
Các nhà nghiên cứu cho rằng các tế bào ung thư có khả năng kích thích kết tập tiểu cầu. Bouchara và cộng sự đã chứng minh khả năng di căn của ba dòng tế bào ung thư hắc tố (melanoma) có liên quan tới việc những tế bào ung thư này tiết ra adenosine 5’ diphosphate (ADP), một chất có tác dụng kích thích kết tập tiểu cầu. Chính vì vậy, kiểm soát và điều hòa khả năng kết tập tiểu cầu có thể đóng vai trò quan trọng trong phòng chống và kiểm soát khả năng di chuyển của các tế bào ác tính, phòng chống di căn.
Đông trùng hạ thảo đã được một số nghiên cứu chứng minh có tác dụng chống kết tập tiểu cầu mạnh mẽ, không thua kém các thuốc hóa dược mà lại có ít tác dụng phụ hơn. Xuất phát từ những cơ sở khoa học này, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Dược và Viện Khoa học Sinh học tại Đại học Mukogawa, Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá tác dụng của Cordycepin, một thành phần của ĐTHT đối với việc ức chế di căn trên chuột thực nghiệm bằng tế bào ung thư hắc tố B16 – F1 có vai trò của adenosine 5’ diphosphate (ADP). Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Adenosine 5’ diphosphat (ADP), một chất kích thích kết tập tiểu cầu, có tác dụng làm tăng số ổ di căn phổi ở động vật thí nghiệm. Chuột thí nghiệm (mã số C57BL/6Cr) được tiêm tế bào ung thư hắc tố B16 – F1 bằng đường tĩnh mạch với số lượng 1 x 10 mũ 5 tế bào cùng với ADP ở các liều khác nhau. Sau 14 ngày các nhà nghiên cứu tiến hành đánh giá số lượng các ổ di căn ở mô phổi của chuột thí nghiệm. Tất cả chuột thí nghiệm đều có các ổ di căn sau 14 ngày tiêm tế bào ung thư hắc tố B16 – F1. Số lượng ổ di căn ở chuột được tiêm ADP tăng rõ rệt. Liều ADP càng cao thì số ổ di căn càng nhiều. (Tác dụng phụ thuộc vào liều ADP được sử dụng.
Cordycepin có tác dụng làm giảm số ổ di căn do ADP một cách rõ rệt. Chuột thí nghiệm cũng được tiêm tế bào ung thư hắc tố (melanoma) đường tĩnh mạch với số lượng 1 x 10 mũ 5 tế bào B16 – F1, chất gây kết tập tiểu ADP với các liều từ 0 – 10 mg/kg cân nặng, đồng thời tiêm Cordycepin, một thành phần của ĐTHT ở các liều khác nhau từ 0 đến 5 và 25 mg/kg cân nặng. Sau 14 ngày các nhà khoa học tiến hành đánh giá số lượng các ổ di căn ở mô phổi của chuột thí nghiệm. Kết quả cho thấy Cordycepin, một thành phần của ĐTHT có tác dụng làm giảm số ổ di căn ở phổi của chuột thí nghiệm. Số ổ di căn ở nhóm sử dụng Cordycepin giảm tới 49% – 51% so với nhóm không sử dụng Cordycepin. Liều Cordycepin càng cao thì số ổ di căn càng thấp hơn. (Tác dụng phụ thuộc vào liều Cordycepin sử dụng).
Với những kết quả nghiên cứu hứa hẹn này, các nhà khoa học Nhật Bản hoàn toàn tin tưởng Cordycepin, một thành phần của ĐTHT có tác dụng làm giảm khả năng di căn qua máu của các tế bào ung thư thông qua việc ức chế kết tập tiểu cầu gây ra bởi adenosine 5’ diphosphate (ADP), một chất thương được tiết ra bởi các tế bào ung thư. Tác dụng này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hầu hết các biện pháp trị liệu ung thư hiện tại tập trung vào tiêu diệt khối u, chưa có những biện pháp điều trị và dự phòng cho việc di căn ung thư. Kết quả thí nghiệm này của các nhà khoa học Nhật Bản cũng đã góp phần giải thích vào khả năng chống di căn do kết tập tiểu cầu, một trong những cơ chế tác dụng quan trọng của ĐTHT trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư.
Hóa trị và xạ trị là những biện pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay, sử dụng hóa chất và tia xạ tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể. Mặc dù đã có nhiều biện pháp hạn chế tác dụng phụ nhưng những tác hại của hóa chất và tia xạ trên những tế bào bình thường của cơ thể như tủy xương, niêm mạc ruột, da, tóc.. vẫn còn là một thách thức đối với trị liệu ung thư. Phần lớn bệnh nhân có những triệu chứng suy kiệt trong quá trình hóa trị và xạ trị làm cho cơ thể không dung nạp trị liệu, ngoài ra còn phát sinh thêm những rối loạn thể trạng khác. Suy giảm hồng cầu, bạch cầu do suy tủy xương và rối loạn tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu là những tác dụng phụ thường gặp nhất ở bệnh nhân hóa trị và xạ trị. Những tác dụng phụ này có tác hại rất lớn đối với hiệu quả điều trị, khả năng chống chọi bệnh tật cũng như sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân vì có ảnh hưởng tới tổng trạng một cách hệ thống.
Để hạn chế tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị, hiện nay các thầy thuốc thường sử dụng các cytokine, là tập hợp các protein và peptid hòa tan do nhiều loại tế bào của cơ thể tiết ra. Cytokine thường gặp phổ biến là các chất: interleukin, interferon..trong đó erythropoietin là loại được sử dụng phổ biến trong ung thư hóa trị, xạ trị để hạn chế tác dụng phụ, kích thích tủy xương sản sinh ra hồng cầu và bạch cầu. Tuy nhiên, do phạm vi điều trị hẹp và đặc biệt là có nhiều tác dụng phụ nên những thuốc này vẫn được sử dụng rất hạn chế. Nhu cầu về một loại thuốc hỗ trợ bảo vệ cơ thể khỏi hóa trị và xạ trị mà không có độc tính, ít tác dụng phụ để có thể sử dụng rộng rãi đang rất cao.
Đông trùng hạ thảo được mô tả có nhiều dược tính quý giá: điều hòa hoạt động gan, thận, tim mạch, hệ miễn dịch, thần kinh, nội tiết và steroid. Như đã nói ở các phần trên, ĐTHT có tác dụng hoạt hóa đại thực bào, điều hòa quá trình tự chết (apoptosis) của tế bào ung thư, ức chế sự di căn của khối u. Những tác dụng này của ĐTHT được cho là do khả năng kích thích cơ thể sản xuất ra các cytokine tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu thuộc khoa Hóa trị liệu Ung thư bệnh viện Chang Gung Memorial (Đài Loan) và khoa Hóa trị liệu Ung thư, Đại học UCLA (Hoa Kỳ) đã cùng nhau tiến hành những nghiên cứu để đánh giá tác dụng bảo vệ tủy xương đối với xạ trị và hóa trị của ĐTHT. Nghiên cứu này được tiến hành trên chuột. Chuột thí nghiệm được cho sử dụng dịch chiết ĐTHT (gọi tắt là ĐTHT CS) đường uống với liều 50 mg/kg cân nặng/ngày trong 7 ngày đồng thời được chiếu xạ toàn thân với các liều khác nhau. Một nhóm chuột thí nghiệm khác cũng được cho sử dụng Taxol, một thuốc được sử dụng phổ biến trong hóa trị ung thư. Nhóm chứng được sử dụng giả dược (placebo) để đối chiếu. Vào cuối đợt điều trị, các nhà nghiên cứu thu thập và phân tích các thông số như: số ngày sống sót sau 30 ngày chiếu xạ, mô xương, mô ruột và số lượng tế bào máu ngoại vi của chuột thí nghiệm để đánh giá tác động của ĐTHT CS. Kết quả nghiên cứu cho thấy :
ĐTHT có tác dụng bảo vệ cơ thể, làm tăng thời gian sống sót trên chuột thí nghiệm bị chiếu xạ toàn thân.
ĐTHT có tác dụng bảo vệ tế bào niêm mạc ruột khỏi các tác dụng phụ của xạ trị. Các nhà nghiên cứu cũng tiến hành xác định tỷ lệ tế bào bị chết từ tiêu bản ruột non của chuột nghiên cứu để đánh giá tác dụng bảo vệ niêm mạc ruột bị chiếu xạ của ĐTHT CS. Số lượng các tế bào tự chết do chiếu xạ giảm rõ rệt ở nhóm chuột thí nghiệm sử dụng ĐTHT CS so với nhóm chứng sử dụng giả dược.
ĐTHT có tác dụng bảo vệ tế bào tủy xương khỏi các tác dụng phụ của xạ trị. Để đánh giá tác dụng này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đo lường số lượng tế bào tủy xương sống sót cũng như đo lường thời gian và số lượng bạch cầu hồi phục ở máu ngoại vi được hồi phục sau khi bị chiếu xạ. Tỷ lệ và thời gian hồi phục của các tế bào bạch cầu ở máu ngoại vi của nhóm sử dụng ĐTHT CS cũng cao hơn rõ rệt so với nhóm chứng sử dụng giả dược. Ở liều 5.5 và G.6 Gy, thời gian bạch cầu ngoại vi bắt đầu hồi phục ở nhóm sử dụng ĐTHT CS là 6 ngày, trong khi thời gian này ở nhóm chứng sử dụng giả dược để so sánh là 14 ngày. Ở ngày 21, số lượng bạch cầu hồi phục ở nhóm sử dụng ĐTHT CS lên tới xấp xỉ 80%, trong khi tỷ lệ này ở nhóm sử dụng giả dược chỉ hơn 40% .
ĐTHT có tác dụng bảo vệ tủy xương khỏi tác dụng phụ của hóa trị bởi Taxol. Chuột thí nghiệm được cho sử dụng Taxol với liều 17mg/kg cân nặng/ngày (tương đương với liều 91 mg/m2 diện tích cơ thể) vào 1 ngày trước khi được cho sử dụng dịch chiết ĐTHT CS với liều 50 mg/kg/ngày. Nhóm đối chứng sử dụng giả dược không có hoạt tính (placebo) để so sánh. Sau 3 tuần, các nhà nghiên cứu tiến hành đánh giá các thông số: số lượng tế bào bạch cầu ở ngoại biên, số lượng tế bào kích thích miễn dịch đại thực bào và bạch cầu hạt (GM – CFU).. để đánh giá khả năng bảo vệ tủy xương khỏi hóa chất trị liệu ung thư Taxol của ĐTHT CS. Số lượng bạch cầu ở nhóm sử dụng hóa chất Taxol và Đông trùng hạ thảo (Taxol + CS) thấp hơn so với nhóm chứng không phải sử dụng Taxol, không (CON) và có sử dụng Đông trùng hạ thảo (CS). Tuy nhiên số lượng bạch cầu ở nhóm này (Taxol + CS) cao hơn rất nhiều so với nhóm chỉ sử dụng hóa chất Taxol. Đồng thời, số lượng bạch cầu ngoại vi ở nhóm sử dụng ĐTHT kết hợp với hóa chất Taxol hồi phục gần như hoàn toàn sau 28 ngày, cao hơn rất nhiều lần nhóm chỉ sử dụng Taxol. Về mặt chức năng, các nhà nghiên cứu cũng tiến hành đánh giá số lượng các tế bào kích thích miễn dịch đại thực bào và bạch cầu hạt (GM – CFUs), là những tế bào được biệt hóa từ các tế bào miễn dịch ban đầu (như bạch cầu) để thực hiện các chức năng miễn dịch. Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng tế bào GM – CFUs ở nhóm sử dụng Đông trùng hạ thảo (CS) cao hơn nhiều so với nhóm chỉ sử dụng hóa chất Taxol.
Mặc dù nghiên cứu mới chỉ thực hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng nhưng với những kết quả tích cực, các nhà khoa học thuộc khoa Hóa trị liệu Ung thư Bệnh viện Chang Gung Memorial (Đài Loan) và khoa Hóa trị liệu Ung thư, Đại học UCLA (Hoa Kỳ) đã cho thấy ĐTHT có tác dụng rất tích cực bảo vệ cơ thể khỏi các tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị, qua đó cải thiện thể trạng và giúp bệnh nhân dung nạp và tuân thủ đúng liệu trình, đảm bảo hiệu quả điều trị và tăng khả năng hồi phục sức khỏe. Những kết quả này sẽ là tiền đề quan trọng để các nhà khoa học trên thế giới tiếp tục phát triển các nghiên cứu lâm sàng cần thiết để nghiên cứu thành công loại thuốc từ ĐTHT CS có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị, không có độc tính, ít tác dụng phụ để có thể được sử dụng rộng rãi.
Như vậy, có thể thấy, ĐTHT là một dược liệu có công dụng hữu hiệu trong việc can thiệp trị liệu và hỗ trợ trị liệu căn bệnh ung. Ngoài những tác dụng đã được chứng minh ở trên, ĐTHT còn nhiều tiềm năng khác như cung cấp các chất dinh dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan, loại trừ các gốc tự do, chống lão hóa…, nói theo thuật ngữ của y học cổ truyền phương Đông là có công năng “Bổ thận”, “Nâng cao chính khí”…, rất có lợi cho việc phòng chống ung thư. Những vấn đề này rất cần được chứng minh bằng các công trình nghiên cứu khoa học công phu và nghiêm túc.